Vào những ngày thời tiết nóng ẩm, nhiều người đến các khoa tai mũi họng vì tai ngứa ngáy, có lúc như có tiếng gió ù ù trong tai và khả năng nghe kém hẳn. Kết quả thăm khám cho thấy phần lớn họ bị bệnh nấm tai. Tìm hiểu thêm, bác sĩ được biết có liên quan đến sở thích tắm tại các bể bơi, khi tắm xong không vệ sinh tai sạch sẽ. Số khác bị nấm tai do hay đi lấy ráy tai ở hiệu cắt tóc, gội đầu…
Nấm tai, hay còn gọi nhiễm nấm tai ngoài (bao gồm loa tai và ống tai), là bệnh thường gặp ở xứ nhiệt đới có khí hậu nóng và ẩm, trong đó có Việt nam. Nguồn gây bệnh gồm hai dòng nấm: Aspergillus spp, chiếm 90% các trường hợp (ví dụ: Aspergillus. fumigates, Aspergillus niger…) và loại Candida spp, chiếm 10% (ví dụ: Candida. Albicans, Candida. tropicalis).
Bỗng dưng ù tai, nghe kém
Ống tai ngoài có những đặc điểm đặc biệt như thường xuyên bị ẩm ướt, da ống tai mỏng; là nơi dễ bị những tác động gây cọ xát như dụng cụ ngoáy tai, lấy ráy tai bằng kim loại hoặc bông gòn, que tăm hoặc thậm chí que nhang… Ống tai cũng là nơi đặt máy trợ thính cho bệnh nhân bị giảm thính (điếc, nghễnh ngãng...); là nơi dễ bị các bệnh viêm da do dị ứng, mụn trứng cá… Những yếu tố này tạo thuận lợi để vi khuẩn hoặc nấm mọc và phát triển. Ngoài ra, bệnh nấm tai cũng hay gặp ở những người có hệ thống miễn dịch yếu như mắc một số bệnh lý đường hô hấp, bệnh HIV/AIDS… Những người thường xuyên đi tắm ở các bể bơi cũng có nhiều nguy cơ, do khi bơi khó tránh khỏi nước vào tai; nếu không làm khô, vệ sinh tai sạch sẽ thì đây là cơ hội tốt cho các loại nấm sinh trưởng trong tai. Đặc biệt, quá trình thăm khám ghi nhận bệnh nấm tai gặp nhiều nhất ở những người trẻ, trung niên thích lấy ráy tai khi hớt tóc ngoài đường, chợ.
Khi bị nấm tai, bệnh nhân có cảm giác rất khó chịu ở tai và hay than phiền ngứa tai, đau tai. Bỗng dưng thấy ù tai và nghe kém. Khám bệnh, thường thấy nhất là ống tai bị hẹp, đỏ và có hình ảnh giống như bụi trắng của phấn trong ống tai hoặc giống như chất bột nhão rải rác trong ống tai, thậm chí che lấp không thấy được màng nhĩ.
Thận trọng khi tự dùng thuốc trị nấm tai
Để điều trị nấm tai, có thể nhỏ một số dung dịch (NaCl 0,9% hoặc kháng sinh), sau đó làm sạch ống tai bằng cách hút hết những chất bám trong ống tai, giữ cho ống tai khô. Thuốc kháng sinh (nhóm Macrolide, cephalosporine, Doxyciline...) dùng khi có bội nhiễm vi trùng. Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng nấm dạng uống như Fluconazole (Mycosyst, Forcan, Fluconazole…) Đối với thuốc nhỏ tai vừa diệt nấm vừa diệt vi trùng, sử dụng phổ biến là Candibotic (Cloramphenicol BP 5% có tính kháng khuẩn; Beclometasone Dipropionate BP 0,025% có tính kháng viêm tại chỗ, giảm sưng; Clotrimazole USP 1% có tác dụng kháng nấm; Lidocaine Hydrochloride BP 2% có tác dụng giảm đau…), nhỏ tai 4 – 5 giọt/lần với 3 – 4 lần/ngày, kéo dài từ 1 – 2 tuần; hoặc cồn Boric 3% (axít boric 300mg), nhỏ tai 4 – 5 giọt/lần, với 2 lần/ngày, kéo dài từ 1 – 2 tuần.
Khi tự ý dùng thuốc cần lưu ý, thuốc chống nấm Ketoconazol theo đường uống phải thận trọng, đặc biệt đối với người bị bệnh gan. Cũng cần nói thêm, ngày 8.6.2011 cơ quan quản lý dược phẩm Pháp đã ra lệnh ngưng cấp phép lưu hành cho thuốc viên Nizoral có hoạt chất Ketoconazol. Ngày 1.7.2011, cục quản lý dược Việt Nam cũng ra văn bản tương tự về việc sử dụng Ketoconazol. Không dùng thuốc nhỏ tai có chứa hoạt chất Aminoglycosid (neomycin, streptomycin) để điều trị kết hợp chống nhiễm khuẩn cho những trường hợp bị thủng màng nhĩ, vì thuốc sẽ gây độc nặng cho tai và dẫn đến điếc không hồi phục, chỉ được dùng cho những bệnh tai ngoài có màng nhĩ lành.
TS.BS Nguyễn Trọng Minhkhoa tai mũi họng, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM; giảng viên thỉnh giảng, đại học
Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM; hội viên hội Tai mũi họng ASEAN
Nhận xét
Đăng nhận xét