Chiều ngày 3/4, ông Hồ Văn Trường (sinh năm 1966, trú tại xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đã tử vong sau khi đến cửa hàng thuốc tây của dược sĩ Nguyễn Đình Vinh để tiêm thuốc chữa hen suyễn, tức ngực. Sự việc này thêm hồi chuông cảnh báo về việc “dược sĩ kê đơn” bừa bãi tại nhiều hiệu thuốc tư nhân hiện nay.
“Anh ơi, bán cho tôi thuốc, tôi bị đau đầu quá”.
“Đây, dùng thuốc này sẽ đỡ liền, chị nhé”.
Đó là những câu hội thoại thường gặp ở các quầy, hiệu thuốc. Một đoạn hội thoại ngắn thôi, nhưng đằng sau đó rất có thể là... cái chết!
Bác sĩ luôn hiểu có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu. Khi gặp một bệnh nhân đau đầu, thường các bác sĩ phải thăm khám hỏi bệnh cẩn thận rồi cho đi làm các xét nghiệm, sau khi loại trừ các nguyên nhân có thể gây tử vong mới yên tâm kê đơn thuốc cho bệnh nhân về nhà.
Việc dược sĩ kê đơn thay bác sĩ có thể gây tai biến cho người bệnh.
Vậy nhưng, đa phần các tình huống khi người dân đau đầu và đến hiệu thuốc, lập tức những “dược sĩ trung cấp” bán ngay cho họ các thuốc giảm đau mà không cần biết đến nguyên nhân và hậu quả. Một tình trạng bệnh mất dấu triệu chứng do sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt, rồi kháng sinh bừa bãi sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các bác sĩ để lần tìm nguyên nhân chính xác.
Một bác sĩ đến khi được kê đơn chính thức thường phải mất mười năm. Trong thời gian đó, có đến 8 năm phải lăn lộn ở bệnh viện để nắm được nguyên nhân, cơ chế, diễn biến bệnh, các biến chứng, các tai biến, tiên lượng gần và tiên lượng xa của bệnh.
Trong khi đó, một dược sĩ trung cấp chỉ học 2 năm và thời gian tiếp xúc với bệnh tật tại bệnh viện là rất ngắn, chỉ tính bằng tháng. Những lý thuyết được học cũng rất cơ bản mà không đi sâu vào cơ chế thực sự.
Nhưng vì không thấy hết được hậu quả đau lòng của việc sử dụng thuốc bừa bãi nên hiện nay, cứ có người hỏi mua thuốc là dược sĩ trung cấp bán ngay.
Có hai vấn đề sai phạm hàng ngày vẫn diễn ra bởi các dược sĩ trung cấp mà người dân cần nhận thức được rằng: nó có thể dẫn đến sự nguy hiểm cho sức khỏe của mọi người.
Vấn đề thứ nhất, việc sử dụng thuốc theo triệu chứng sẽ chỉ giải quyết được cái ngọn mà không giúp trị bệnh tận gốc.
Mỗi một triệu chứng báo động của cơ thể chỉ là phần nổi lên của tảng băng, khi mà nguyên nhân gốc rễ của bệnh lại phức tạp hơn nhiều. Thực tế, có rất nhiều thuốc giúp làm dịu triệu chứng của bệnh nhân, song không điều trị được gốc rễ của bệnh.
Sự kiêng kỵ nhất của điều trị trong y khoa chính là khi: đau gì, giảm đau đó mà không cần quan tâm nguồn gốc của cơn đau. Như đã nói ở trên, đằng sau đó rất có thể là một bệnh hiểm nghèo mà ngay cả một bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng vẫn còn phải thận trọng thăm khám và xét nghiệm; thậm chí phải hội chẩn liên khoa, liên viện mới tìm ra nguyên nhân và cách điều trị.
Vấn đề thứ hai, sử dụng kháng sinh bừa bãi do tự ý kê đơn của dược sĩ trung cấp sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc và tạo biến thể mới của mầm bệnh.
Cả thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ kháng thuốc kháng sinh tại cộng đồng và trong bệnh viện. Một trong những nguyên nhân chính là việc tự ý mua và sử dụng kháng sinh của người dân.
Quan điểm: “dùng lại đơn thuốc cũ khi có triệu chứng cũ” là một sai lầm cần phải được loại bỏ khỏi suy nghĩ của người dân. Đồng thời, sự dễ tính khi bán thuốc của các dược sĩ sẽ đẩy chúng ta phải đối mặt với việc: đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện những con vi khuẩn kháng tất cả các kháng sinh trên cơ thể chúng ta. Đó là một thảm họa không chỉ của một người.
Người càng không biết thì càng quả quyết. Phần lớn dược sĩ trung cấp được đào tạo với mục tiêu bán và tư vấn sử dụng thuốc theo đơn tại cộng đồng chứ không phải thay thế vai trò khám chữa bệnh của bác sĩ.
Người dân cần tỉnh táo, trước khi sử dụng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ, ngay cả với những thuốc không nằm trong danh mục thuốc kê đơn bắt buộc, tránh các tình huống khi đến bệnh viện thì bệnh đã nặng và khó tránh khỏi những tai biến nặng nề...
Bên cạnh việc tăng cường giáo dục cho người dân về việc mua và sử dụng thuốc, đặc biệt phải nhấn mạnh các thuốc buộc có đơn của bác sĩ, hơn lúc nào hết, đừng để tình trạng mỗi hiệu thuốc trở thành một phòng khám cơ động, hỏi bệnh qua loa rồi kê đơn, bán thuốc kiếm lời trên sức khỏe của người bệnh, để rồi những tai biến điều trị xảy ra mà không thể đảo ngược được.
Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
SK&ĐS -BS. Thanh Huyền
Nhận xét
Đăng nhận xét