Vợ tôi biết chơi cờ tướng. Chuyện này tôi biết từ khi mới quen nàng. Thế nhưng lâu lắm rồi, tôi chẳng thấy nàng chơi. Đơn giản vì tôi thì không biết chơi môn thể dục thể thao rất ư là trí tuệ đỉnh cao ấy, còn cha vợ tôi thì đã già yếu, không đủ sức ngồi mấy tiếng đồng hồ cho một ván cờ. Thỉnh thoảng tôi thấy Hương chơi cờ trên máy tính nhưng dường như điều đó không làm cho nàng hứng thú lắm nên chỉ chốc lát là nàng chuyển sang làm chuyện khác trên máy tính.
Vợ tôi đang “chơi cờ” với một người đàn ông khác!
Tôi vốn tin tưởng vợ tuyệt đối. Giữa hai vợ chồng đã có một thỏa thuận bất thành văn: tôn trọng quyền riêng tư của nhau; tuyệt đối không xâm phạm điện thoại, địa chỉ email, trang mạng xã hội, giờ giấc sinh hoạt và tất tần tật những thứ thuộc về quyền tự do cá nhân của nhau.
9 năm qua, những thỏa thuận đó đã được hai vợ chồng tuyệt đối tuân thủ. Và chúng tôi trở thành một cặp vợ chồng “văn minh, hiện đại” kiểu mẫu trong mắt bà con, bạn bè. Thỉnh thoảng có cơ quan, tổ chức còn mời chúng tôi đi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Khi ấy tôi sánh vai “người tình trăm năm” của mình với niềm kiêu hãnh không che giấu. Không kiêu hãnh sao được khi tôi quá viên mãn với hạnh phúc mình đang nắm giữ trong tay.
Thế mà đùng một cái, cô bạn đồng nghiệp thỏ thẻ: “Hôm qua em thấy chị Hương đi đâu ngang khu nhà trọ của em”. Khu nhà trọ của cô bạn ở tận Thủ Đức, vợ tôi chẳng có việc gì phải đi ra ngoài đó. Chắc chắn là cô nàng đã trông gà hóa cuốc. Tôi cãi lại: “Chắc em nhìn lầm. Bà xã anh ra đó làm gì? Với lại, hôm qua cô ấy về bên ngoại mà?”. Nhà cha mẹ vợ tôi ở ngay quận 1. Hôm qua Hương bảo buổi trưa ghé qua đó ăn cơm vì có bà dì ở nước ngoài về. Khoảng hơn 12 giờ, nàng còn gọi điện thoại cho tôi bảo rằng đang ở nhà mẹ và rất vui.
Bẳng đi một thời gian, tôi quên mất chuyện đó thì một bữa nọ, con gái tôi gọi điện thoại mếu máo: “Sao ba mẹ không rước con? Các bạn về hết rồi...”. Lúc đó đã hơn 18 giờ. Tôi giật mình. Hôm đó là ngày đến lượt Hương đón con. Chưa bao giờ nàng quên điều đó. Tôi tức tốc chạy tới trường. Con gái tôi đang ngồi ở cổng bảo vệ, mặt tèm lem nước mắt, nước mũi.
Tôi gọi điện thoại cho Hương. Nàng không bắt máy. Hơn 19 giờ vợ tôi gọi lại, nói rằng đi công việc ở Nhà Bè nhưng bị hư xe dọc đường, không có chỗ sửa. Tôi hỏi Hương ở đâu để tôi đến đón thì nàng bảo không cần, đã tìm được chỗ sửa xe.
Vợ tôi đang “chơi cờ” với một người đàn ông khác!
Chẳng hiểu sao từ hôm đó tôi bắt đầu nghi ngờ vợ tôi có người đàn ông khác. Thế nhưng tôi không dám vi phạm các thỏa thuận dù tôi rất muốn kiểm tra tin nhắn, email, facebook của vợ. Tôi chỉ còn cách là chú ý theo dõi động thái hàng ngày của vợ xem có gì khác thường không. Hình như không có gì ngoài việc vợ tôi thường xuyên về nhà ngoại ăn cơm hơn trước. Khi tôi bảo mình cũng muốn qua bên đó thì vợ tôi nhăn mặt, nửa đùa, nửa thật: “Đã ăn chực mà còn kéo cả hai vợ chồng, kỳ chết!”. Tôi hiểu đó là một lời từ chối khéo. Với lại nhà vợ có Việt kiều về chơi, tôi cũng không muốn mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ.
Cho đến cái hôm vợ tôi bỏ quên điện thoại ở nhà. Dù nàng có cài password nhưng sau một hồi mày mò, suy đoán, tôi cũng mở được. Trong danh bạ, có những người tôi quen, cũng có những người lạ. Trong hộp thư chỉ có tin nhắn của bạn bè, đồng nghiệp. Trong các cuộc gọi đi và đến, tôi chú ý có một số gọi khá nhiều lần được lưu với tên “banco”. Đặc biệt, trong phần lưu trữ, tôi thấy có đến 3 tin nhắn của “banco” với nội dung: “anh rất hạnh phúc khichơi cờ với em”, “trưa nay em rảnh thì mình chơi cờ nhé”, “thèm được chơi cờ với em quá”.
Tôi gởi những tin nhắn đó qua điện thoại mình, lưu lại số điện thoại của “banco” và bần thần suy nghĩ. Cuối cùng tôi quyết định mua một chiếc sim điện thoại và nhờ cô bạn đồng nghiệp gọi dùm vào số máy của “banco”. Bên kia là một người đàn ông. Sau khi xin lỗi vì “gọi nhầm số”, cô bạn cúp máy, nhìn tôi dò xét: “Người đó là ai vậy?”. Tôi không trả lời.
Vậy là nghi vấn của tôi gần như đã có câu trả lời. Số điện thoại đặc biệt mà vợ tôi hay gọi đi và nhận cuộc gọi là của một người đàn ông khác. Anh ta hay “chơi cờ” với vợ tôi. Rõ ràng “chơi cờ” là từ lóng để ám chỉ một điều gì khác bởi chẳng ai “chơi cờ” mà hạnh phúc, mà thèm thuồng, mà phải rủ rê người khác giải trí vào giờ nghỉ trưa...
Vợ tôi cũng không qua nhà ngoại ăn cơm như đã nói với tôi. Rất dễ dàng để tôi kiểm chứng điều này. Khi tôi làm như vô tình ghé lại nhà cha mẹ vợ đúng vào hôm Hương bảo sẽ ghé qua đó ăn trưa thì vợ tôi không hề có ở đó. Mẹ vợ tôi còn trách móc: “Cả tháng nay mẹ có thấy bóng dáng nó đâu? Ba bây cứ nhắc hoài”.
Đầu tôi muốn nổ tung. Có thể khẳng định rằng vợ tôi đã có người đàn ông khác, đã ngoại tình. Chuyện đó xảy ra từ khi nào? Người đàn ông kia là ai? Vợ tôi chỉ bị say nắng hay nàng đã quá lậm gã đàn ông đó? Tôi phải làm sao để níu giữ hạnh phúc gia đình? Cứ nghĩ đến cảnh Hương và nhân tình đang “chơi cờ” trong một nhà nghỉ, khách sạn nào đó, tôi đã thấy máu giận bốc lên đùng đùng. Tôi mường tượng cảnh mình mở cửa xông vào, bắt tại trận đôi gian phu, dâm phụ mà thấy như có trăm ngàn vết kim châm chích trong lòng...
Vợ tôi đang “chơi cờ” với một người đàn ông khác!
Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến hai đứa con tôi, nghĩ đến danh dự gia đình, nghĩ đến cuộc sống sau này của mình nếu ly hôn... Tôi nghĩ đến cả cha mẹ, anh em, họ hàng bên vợ tôi. Họ đã rất yêu quý tôi, xem tôi như ruột thịt trong nhà. Nếu tôi làm không khéo thì tôi sẽ mất tất cả...
Có thể tôi sẽ không làm lớn chuyện, không rình rập để bắt tại trận cảnh “trai trên, gái dưới”, không ly hôn... Thế nhưng tiếp tục sống với một người vợ đã thay dạ đổi lòng, đã dan díu với một người đàn ông khác, liệu tôi có thể tha thứ và hạnh phúc hay sẽ suốt đời dằn vặt, khổ đau?
Nguoilaodong
Nhận xét
Đăng nhận xét